Theo từ điển Merriam-Webster, lần sử dụng đầu tiên được ghi nhận của từ "webmaster" (quản trị viên trang web) là vào năm 1993, sớm hơn thời điểm Google ra đời nhiều năm. Tuy nhiên, từ này càng ngày càng ít được dùng. Theo dữ liệu tìm được trong các cuốn sách, số lượt dùng từ này đang giảm mạnh. Một nghiên cứu về trải nghiệm người dùng do chúng tôi thực hiện cho thấy hiện nay còn rất ít người có chuyên môn về web tự coi mình là quản trị viên trang web. Họ thường tự gọi mình là chuyên viên tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm (SEO), nhà tiếp thị trực tuyến, tác giả blog, nhà phát triển web hoặc chủ sở hữu trang web. Trong khi đó, có rất ít người dùng từ "quản trị viên trang web".
Trong quá trình lên ý tưởng cho tên gọi mới, chúng tôi nhận thấy không có từ nào có thể khái quát trọn vẹn mọi công việc con người xử lý trên các trang web. Để tập trung hơn vào chủ đề mà chúng tôi đang nói đến (Google Tìm kiếm), chúng tôi sẽ đổi tên của mình ("Trung tâm quản trị trang web của Google") thành "Trung tâm Google Tìm kiếm", trên cả các trang web của chúng tôi và trên mạng xã hội. Mục tiêu của chúng tôi thì không thay đổi. Chúng tôi vẫn mong muốn giúp mọi người cải thiện khả năng hiển thị của trang web của họ trên Google Tìm kiếm. Thay đổi này sẽ được áp dụng trên hầu hết các nền tảng trong vài ngày tới.
Để giúp mọi người nắm được cách cải thiện khả năng hiển thị của trang web của họ trên Google Tìm kiếm, chúng tôi sẽ tổng hợp các tài liệu trợ giúp và các bài viết trên blog vào cùng một trang web.
Từ nay về sau, Trung tâm trợ giúp của Search Console sẽ chỉ chứa tài liệu liên quan đến việc sử dụng Search Console. Đây vẫn là trang chủ của diễn đàn trợ giúp, đổi từ tên gọi cũ là "Cộng đồng trợ giúp Quản trị viên web" thành "Cộng đồng trợ giúp Trung tâm Google Tìm kiếm". Những thông tin về cách thức hoạt động của Google Tìm kiếm, hoạt động thu thập dữ liệu và lập chỉ mục, nguyên tắc của Google Tìm kiếm và các chủ đề khác liên quan đến Google Tìm kiếm sẽ được di chuyển sang trang web mới của chúng tôi, nơi trước đây chỉ tập trung lưu trữ tài liệu dành cho nhà phát triển web. Quá trình di chuyển nội dung này sẽ diễn ra trong vài ngày tới.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tạo nội dung cho những người muốn trang web của mình hiển thị trên Google Tìm kiếm, bất kể họ chỉ là người mới làm quen với SEO hay đã là một chuyên gia web có kinh nghiệm.
Blog bạn đang đọc cũng sẽ được chuyển tới trang web chính của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chờ một tuần để người đăng ký có thể đọc bài đăng cuối cùng này trên nền tảng cũ. Việc di chuyển blog này cùng 13 blog đã bản địa hóa khác đến cùng một trang web sẽ mang lại những lợi ích sau:
Từ nay về sau, tất cả bài đăng mới và bài đăng đã lưu trữ trên blog sẽ được hiển thị tại https://developers.google.com/search/blog. Bạn không cần làm gì để có thể tiếp tục nhận thông tin cập nhật của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chuyển hướng những người đã đăng ký email và RSS sang URL của blog mới.
Linh vật Googlebot của chúng tôi cũng sẽ được nâng cấp. Những ngày Googlebot lướt web một mình sắp kết thúc vì sẽ có một nhân vật mới đồng hành cùng Googlebot trong quá trình thu thập dữ liệu trên Internet.
Trong lần đầu tiên gặp gỡ sinh vật tò mò này, chúng tôi đã tự hỏi "Thực sự cậu ấy có phải là nhện không?" Sau khi quan sát, chúng tôi nhận thấy người bạn nhện lai robot này có thể nhảy rất xa và nhìn rõ nhất khi có ánh sáng màu xanh lục xung quanh. Chúng tôi nghĩ người bạn thân thiết mới của Googlebot thuộc loài nhện chi Phidippus, dù trông cậu ấy cũng có những đặc điểm giống robot. Googlebot đang nghĩ biệt hiệu cho người bạn nhỏ nhện lai robot này nhưng vẫn chưa chọn được cái tên nào. Bạn sẽ giúp Googlebot chứ?
Thay lời chia tay, hãy cập nhật dấu trang của bạn. Và nếu bạn có câu hỏi hay nhận xét nào, hãy liên hệ với chúng tôi qua Twitter và Cộng đồng trợ giúp Trung tâm Google Tìm kiếm.
Trong vài năm qua, chúng tôi đã hợp tác với các tổ chức trong lĩnh vực cấp phép hình ảnh để nâng cao nhận thức về yêu cầu cấp phép đối với nội dung tìm được qua Google Hình ảnh. Từ năm 2018, chúng tôi đã bắt đầu hỗ trợ siêu dữ liệu của IPTC về quyền liên quan đến hình ảnh; vào tháng 2 năm 2020, chúng tôi đã ra mắt một khung tiêu chuẩn mới cho siêu dữ liệu thông qua Schema.org và IPTC đối với hình ảnh có thể cấp phép. Kể từ thời điểm đó, chúng tôi nhận thấy có ngày càng nhiều trang web, công ty và nền tảng về hình ảnh ở mọi quy mô áp dụng tiêu chuẩn mới này. Hôm nay, chúng tôi sẽ ra mắt một số tính năng mới trên Google Hình ảnh nhằm làm nổi bật thông tin cấp phép của hình ảnh và giúp người dùng nắm được cách sử dụng hình ảnh có trách nhiệm một cách dễ dàng hơn.
Trên trang kết quả tìm kiếm, hình ảnh có thông tin cấp phép sẽ được gắn huy hiệu "Có thể cấp phép". Khi người dùng mở trình xem hình ảnh (tức là cửa sổ xuất hiện khi người dùng chọn một hình ảnh), chúng tôi sẽ hiển thị một đường liên kết đến trang thông tin cấp phép và/hoặc điều khoản cấp phép do bên cấp phép hoặc chủ sở hữu nội dung cung cấp. Nếu có, chúng tôi cũng sẽ hiển thị thêm một đường liên kết đưa người dùng đến trang của bên cấp phép hoặc chủ sở hữu nội dung để người dùng có thể mua hình ảnh đó.
Chúng tôi cũng giúp việc tìm hình ảnh có siêu dữ liệu về giấy phép trở nên dễ dàng hơn. Trên Google Hình ảnh, chúng tôi đã cải tiến trình đơn thả xuống cho thông tin về Quyền sử dụng để hỗ trợ lọc theo giấy phép Creative Commons, giấy phép thương mại hoặc các loại giấy phép khác.
Chúng tôi tin rằng đây là một bước tiến giúp mọi người hiểu rõ hơn về đặc điểm của nội dung mà họ đang xem trên Google Hình ảnh, đồng thời, giúp họ nắm được cách sử dụng nội dung đó một cách có trách nhiệm.
Để tìm hiểu thêm về những tính năng này cũng như cách triển khai và khắc phục sự cố, hãy truy cập trang trợ giúp của Google dành cho nhà phát triển và trang Câu hỏi thường gặp của chúng tôi.
Để phản hồi về các tính năng này, vui lòng sử dụng các công cụ phản hồi về các tính năng liên quan đến hình ảnh có thể cấp phép trên trang dành cho nhà phát triển hoặc qua Diễn đàn của Google dành cho quản trị viên trang web. Đồng thời, hãy tiếp tục theo dõi các phiên làm việc trực tuyến tiếp theo, tại đây chúng tôi sẽ xem xét các câu hỏi thường gặp.
"Từ khoảng 4 năm trước, Google và CEPIC đã bắt đầu cộng tác với nhau để đảm bảo xác định được thông tin về các tác giả và chủ sở hữu quyền trên Google Hình ảnh. Giờ đây, nhờ vào thành quả của quá trình cộng tác giữa chúng tôi và Google, khâu cuối cùng trong quá trình này đã được triển khai. Đó chính là việc xác định những hình ảnh nào có thể cấp phép. Chúng tôi vô cùng háo hức trước các cơ hội mà quan hệ hợp tác này đang mở ra cho các công ty nhiếp ảnh nói riêng và ngành hình ảnh nói chung. Cảm ơn Google." – Alfonso Gutierrez, Chủ tịch CEPIC
"Nhờ quá trình cộng tác nhiều năm giữa IPTC và Google, giờ đây, khi một trang web nổi tiếng sử dụng lại một hình ảnh chứa siêu dữ liệu theo tiêu chuẩn IPTC thì Google Hình ảnh sẽ đưa người dùng quan tâm đến người cung cấp hình ảnh đó" – dẫn lời Michael Steidl, Trưởng Nhóm chuyên trách về siêu dữ liệu hình ảnh IPTC. "Điều này đem lại lợi ích rất lớn cho các nhà cung cấp hình ảnh và khuyến khích việc thêm siêu dữ liệu theo tiêu chuẩn IPTC vào các tệp hình ảnh." – Michael Steidl, Trưởng Nhóm chuyên trách về siêu dữ liệu hình ảnh IPTC
"Các tính năng của Google về hình ảnh có thể cấp phép là một bước tiến tuyệt vời trong việc giúp người dùng dễ dàng và nhanh chóng xác định cũng như mua giấy phép sử dụng nội dung hình ảnh. Google đã hợp tác chặt chẽ với hiệp hội DMLA và các thành viên của hiệp hội trong quá trình phát triển những tính năng này, trong đó có việc vừa chia sẻ công cụ và thông tin vừa thu thập phản hồi và giải đáp các thắc mắc hoặc câu hỏi của các thành viên. Chúng tôi mong có thể tiếp tục hợp tác với Google khi các tính năng này được triển khai trên toàn cầu." – Lelis Hughes, Chủ tịch của Digital Media Licensing Association (Hiệp hội cấp phép nội dung đa phương tiện kỹ thuật số)
"Chúng ta đang sống trong một môi trường đa phương tiện năng động và liên tục thay đổi. Ở đó, ngày càng có nhiều người coi hình ảnh là một phần thiết yếu trong hoạt động truyền thông và kể chuyện trực tuyến. Điều này cũng có nghĩa là mọi người phải hiểu được tầm quan trọng của việc mua giấy phép cho hình ảnh của họ từ các nguồn hợp lệ, nhằm bảo vệ chính họ cũng như đảm bảo duy trì nguồn kinh phí để tạo ra những hình ảnh như vậy. Chúng tôi hy vọng rằng phương pháp tiếp cận của Google sẽ khiến thông tin về giá trị của các hình ảnh được cấp phép cũng như các quyền cần có để sử dụng những hình ảnh đó trở nên phổ biến hơn." – Ken Mainardis, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách mảng Nội dung của Getty Images & iStock thuộc Getty Images
"Với các tính năng của Google về hình ảnh có thể cấp phép, người dùng nay đã có thể tìm được những hình ảnh chất lượng cao trên Google Hình ảnh và tìm được nơi để mua hình ảnh hoặc mua quyền sử dụng hình ảnh theo luật bản quyền hình ảnh. Đây là một cột mốc quan trọng đối với ngành nhiếp ảnh chuyên nghiệp, vì giờ đây, người dùng sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định những hình ảnh mà họ có thể mua một cách an toàn và có trách nhiệm. EyeEm ra đời dựa trên ý tưởng rằng công nghệ sẽ thay đổi hoàn toàn cách thức các công ty tìm kiếm và mua hình ảnh. Do đó, chúng tôi rất hân hạnh được tham gia dự án của Google về hình ảnh có thể cấp phép ngay từ những ngày đầu, và giờ đây, chúng tôi lại càng vui mừng khi thấy các tính năng này được phát hành." – Ramzi Rizk, Nhà đồng sáng lập EyeEm
"Là mạng lưới lớn nhất thế giới dành cho người dùng và các nhà cung cấp chuyên nghiệp trong lĩnh vực hình ảnh kỹ thuật số, picturemaxx rất hoan nghênh các tính năng của Google về hình ảnh có thể cấp phép. Đối với khách hàng của chúng tôi, những người sáng tạo và người quản lý bản quyền, không chỉ việc hiển thị thông tin bản quyền và thông tin cấp phép có vai trò quan trọng, mà cách hiển thị những thông tin này cũng không kém phần ý nghĩa. Để tận dụng lợi thế của tính năng này, trong tương lai gần, picturemaxx sẽ cho phép khách hàng cung cấp hình ảnh của họ cho Google Hình ảnh. Quá trình này hiện đang được triển khai." – Marcin Czyzewski, Giám đốc kỹ thuật của picturemaxx
"Để thực hiện dự án này, Google đã tham khảo ý kiến và hợp tác chặt chẽ với Alamy và các đơn vị chủ chốt khác trong ngành hình ảnh. Thẻ có thể cấp phép sẽ giúp người tiêu dùng bớt nhầm lẫn và giúp cộng đồng ý thức được giá trị của các hình ảnh thương mại và hình ảnh xuất bản chất lượng cao". – James Hall, Giám đốc sản phẩm của Alamy
"Các tính năng mới của Google Hình ảnh có ích cho cả người sáng tạo hình ảnh và người tiêu dùng hình ảnh nhờ vào việc hiển thị thông tin về cách hợp lệ để mua giấy phép sử dụng nội dung của người sáng tạo. Chúng tôi rất vui khi được hợp tác chặt chẽ với Google để phát triển tính năng này, cụ thể là hỗ trợ các biện pháp bảo vệ để đem lại thù lao xứng đáng cho cộng đồng hơn 1 triệu cộng tác viên của chúng tôi trên toàn cầu. Khi phát triển tính năng này, Google đã thể hiện rõ ràng cam kết hỗ trợ hệ sinh thái sáng tạo nội dung." – Paul Brennan, Phó chủ tịch phụ trách mảng Vận hành nội dung của Shutterstock
"Các tính năng mới của Google Hình ảnh về hình ảnh có thể cấp phép sẽ mở ra các tùy chọn cho các nhóm sáng tạo để họ có thể khám phá những nội dung độc đáo. Thông qua việc thiết lập Google Hình ảnh thành một công cụ đáng tin cậy để xác định nội dung có thể cấp phép, Google sẽ mở rộng cơ hội khám phá đối với tất cả công ty và nhiếp ảnh gia độc lập, giúp tạo ra quy trình hiệu quả để nhanh chóng tìm được và mua những nội dung liên quan nhất và có thể cấp phép." – Andrew Fingerman, Giám đốc điều hành của PhotoShelter
Cách đây vài tuần, chúng tôi đã tổ chức một Buổi thảo luận ngắn trong chương trình Webmaster Conference để bàn luận về Kết quả nhiều định dạng và Search Console. Trong buổi thảo luận đó, chúng tôi cũng tổ chức một phiên trò chuyện trực tiếp và nhận được nhiều câu hỏi của người xem. Chúng tôi đã cố gắng trả lời càng nhiều càng tốt, nhưng thật khó để phản hồi hết tất cả những thắc mắc. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục trả lời qua bài đăng trên blog này.
Nếu chưa xem video, bạn có thể xem ở bên dưới. Video này giới thiệu về cách tận dụng kết quả nhiều định dạng và cách sử dụng Search Console để tối ưu hóa giao diện tìm kiếm trong Google Tìm kiếm.
Nếu một trang web triển khai dữ liệu có cấu trúc thì trang web đó có thứ hạng cao hơn so với đối thủ cạnh tranh không?
Bản thân dữ liệu có cấu trúc không phải là một yếu tố xếp hạng chung. Tuy nhiên, dữ liệu có cấu trúc có thể giúp Google hiểu được thông tin về trang, cho phép chúng tôi hiển thị trang khi phù hợp và cũng cho phép trang xuất hiện trong các trải nghiệm tìm kiếm khác.
Google nghĩ rằng dữ liệu có cấu trúc nào sẽ phù hợp để đưa vào các trang thuộc danh mục thương mại điện tử?
Bạn không cần đánh dấu sản phẩm trên một trang danh mục mà chỉ cần đánh dấu khi Sản phẩm là thành phần chính trên trang.
Tôi nên đưa bao nhiêu nội dung vào dữ liệu có cấu trúc của mình? Có giới hạn về lượng nội dung không?
Không có giới hạn về lượng dữ liệu cấu trúc bạn có thể triển khai trên các trang, miễn là bạn tuân thủ các nguyên tắc chung. Ví dụ: người dùng phải luôn thấy rõ phần được đánh dấu, và phần này phải là nội dung trọng tâm của trang.
Lượt nhấp và lượt hiển thị của trang Câu hỏi thường gặp dựa vào yếu tố gì?
Trang Câu hỏi thường gặp (FAQ) chứa một danh sách câu hỏi và câu trả lời liên quan đến một chủ đề cụ thể. Các trang Câu hỏi thường gặp được đánh dấu đúng cách có thể đủ điều kiện hiển thị dưới dạng kết quả nhiều định dạng trên Tìm kiếm và một Hành động trên Trợ lý Google. Nhờ đó, trang web của bạn có thể tiếp cận đúng đối tượng người dùng. Những kết quả nhiều định dạng này cho phép người dùng mở rộng và thu gọn câu trả lời cho các câu hỏi cụ thể, bao gồm cả các trích đoạn nội dung chứa câu trả lời cho câu hỏi. Mỗi lần kết quả như vậy xuất hiện trong kết quả Tìm kiếm cho người dùng, hệ thống sẽ tính là một lượt hiển thị trên Search Console; và mỗi lần người dùng nhấp để truy cập trang web thì hệ thống sẽ tính là một lượt nhấp. Các thao tác nhấp để mở rộng và thu gọn kết quả tìm kiếm sẽ không được tính là lượt nhấp trong Search Console vì chúng không chuyển người dùng đến trang web. Bạn có thể kiểm tra lượt hiển thị và lượt nhấp vào kết quả nhiều định dạng cho trang Câu hỏi thường gặp của mình thông qua thẻ "Giao diện tìm kiếm" trong báo cáo Hiệu suất tìm kiếm.
Google có hiển thị kết quả nhiều định dạng cho bài đánh giá do một trang web lưu trữ bài đánh giá viết không?
Doanh nghiệp hoặc nhà cung cấp nội dung không được viết hoặc cung cấp bài đánh giá. Theo nguyên tắc về đoạn trích đánh giá của chúng tôi: “Bài đánh giá phải do chính người dùng viết”. Việc xuất bản bài đánh giá do doanh nghiệp tự viết là trái với nguyên tắc và có thể dẫn đến Thao tác thủ công.
Có những loại giản đồ Google không sử dụng, vậy tại sao chúng tôi nên sử dụng chúng?
Google hỗ trợ một sốloại giản đồ, nhưng các công cụ tìm kiếm khác có thể sử dụng loại giản đồ khác để hiển thị kết quả nhiều định dạng, vì vậy bạn nên triển khai những loại giản đồ đó cho các công cụ tìm kiếm khác.
Tại sao một số kết quả nhiều định dạng đã từng hiển thị trong kết quả Tìm kiếm lại thỉnh thoảng biến mất?
Thuật toán của Google điều chỉnh kết quả tìm kiếm để tạo kết quả mà chúng tôi cho là mang lại trải nghiệm tốt nhất cho mỗi người dùng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có lịch sử tìm kiếm, vị trí và loại thiết bị. Trong một số trường hợp, thuật toán này có thể xác định rằng một tính năng phù hợp hơn tính năng khác, hoặc thậm chí đường liên kết màu xanh lam là phù hợp nhất. Hãy tham khảo báo cáo Trạng thái kết quả nhiều định dạng, Nếu bạn không thấy số mục hợp lệ bị sụt giảm, hoặc số lỗi tăng đột ngột, thì cách triển khai của bạn vẫn ổn.
Làm thế nào để tôi xác minh dữ liệu có cấu trúc được tạo động?
Cách an toàn nhất để kiểm tra cách triển khai dữ liệu có cấu trúc của bạn làkiểm tra URL trên Search Console. Cách này sẽ cung cấp thông tin về phiên bản mà Google đã lập chỉ mục của một trang cụ thể. Bạn cũng có thể dùng công cụ công khai Kiểm tra kết quả nhiều định dạng để lấy thông tin. Nếu bạn không thấy dữ liệu có cấu trúc qua những công cụ này, thì cách bạn đánh dấu là không hợp lệ.
Làm thế nào để thêm dữ liệu có cấu trúc trong WordPress?
Có một số plugin cho WordPress có thể giúp bạn thêm dữ liệu có cấu trúc. Bạn cũng cần kiểm tra các tùy chọn cài đặt giao diện của mình vì giao diện có thể hỗ trợ một số loại mã đánh dấu.
Công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc của Google đã ngừng hoạt động, vậy công cụ Kiểm tra kết quả nhiều định dạng có hỗ trợ loại dữ liệu có cấu trúc mà Google Tìm kiếm không hỗ trợ hay không?
Công cụKiểm tra kết quả nhiều định dạng hỗ trợ mọi loại dữ liệu có cấu trúc miễn là loại dữ liệu đó kích hoạt kết quả nhiều định dạng trên Google Tìm kiếm. Google cũng đang tạo trải nghiệm mới cho nhiều loại dữ liệu có cấu trúc khác, và chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm cho các loại dữ liệu đó trong thử nghiệm này. Trong quá trình chuẩn bị ngừng sử dụng Công cụ kiểm tra dữ liệu có cấu trúc, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu cách hỗ trợ một công cụ chung bên ngoài Google.
Nếu bạn chưa xem các buổi thảo luận ngắn trước, hãy tham khảo danh sách phát WMConf Lightning Talk. Ngoài ra đừng quên đăng ký kênh YouTube của chúng tôi và đón chờ các video trong tương lai! Bạn cũng nên theo dõi các buổi công chiếu của chúng tôi trên YouTube để tham gia phiên Hỏi đáp và trò chuyện trực tiếp trong từng tập!
Người đăng: Daniel Waisberg, Chuyên gia hỗ trợ về Tìm kiếm
Nhờ vào công sức của người dùng, chúng tôi nhận được hàng trăm báo cáo về trường hợp gian lận mỗi ngày. Mặc dù nhiều báo cáo trong số này dẫn đến thao tác thủ công, nhưng chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong số những thao tác thủ công mà chúng tôi thực hiện. Phần lớn thao tác thủ công xuất phát từ những biện pháp mà chúng tôi tiến hành thường xuyên tại Google để phát hiện nội dung vi phạm và cải thiện kết quả tìm kiếm. Hiện tại, chúng tôi đang cập nhật các bài viết trong Trung tâm trợ giúp để làm rõ cách tiếp cận sau: chúng tôi chỉ sử dụng các báo cáo về trường hợp gian lận để cải thiện các thuật toán phát hiện nội dung vi phạm của Google.
Các báo cáo này đóng vai trò rất quan trọng – chúng giúp chúng tôi biết được những trường hợp mà hệ thống phát hiện nội dung vi phạm tự động của Google có thể không hiệu quả. Trong phần lớn trường hợp, việc khắc phục một vấn đề cơ bản với hệ thống phát hiện tự động sẽ có tác động sâu rộng hơn nhiều so với việc áp dụng thao tác thủ công với một URL hoặc trang web.
Về lý thuyết, nếu hệ thống tự động của Google lúc nào cũng hoạt động hoàn hảo, thì chúng tôi sẽ phát hiện được tất cả nội dung vi phạm mà không hề cần đến các hệ thống báo cáo. Tuy nhiên, thực tế là hệ thống phát hiện nội dung vi phạm của Google luôn cần được cải thiện mặc dù hoạt động khá hiệu quả. Báo cáo về trường hợp gian lận chính là một yếu tố quan trọng để giúp chúng tôi làm được điều đó. Dữ liệu tổng hợp mà chúng tôi thu được từ các báo cáo này giúp Google phân tích những xu hướng và quy luật về nội dung vi phạm. Từ đó, chúng tôi có thể cải thiện các thuật toán của mình.
Nhìn chung, một trong những phương thức tốt nhất để loại bỏ nội dung vi phạm khỏi Tìm kiếm là tìm những nội dung chất lượng cao do cộng đồng trên web tạo và ưu tiên hiển thị nội dung đó thông qua quá trình xếp hạng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương thức cải thiện Tìm kiếm và tạo kết quả chất lượng cao của chúng tôi tại trang web Cách hoạt động của Google Tìm kiếm. Các chủ sở hữu và người sáng tạo nội dung cũng có thể tìm hiểu cách tạo nội dung chất lượng cao để đạt được thành công trên Tìm kiếm thông qua các tài nguyên trên trang Quản trị viên trang web của Google. Hệ thống phát hiện nội dung vi phạm và hệ thống xếp hạng thông thường của chúng tôi hoạt động phối hợp với nhau, và báo cáo về trường hợp gian lận giúp chúng tôi tiếp tục cải thiện cả hai hệ thống này. Vì vậy, chúng tôi rất cảm kích việc các bạn gửi những báo cáo này cho chúng tôi.
Nếu bạn có câu hỏi hoặc nhận xét, hãy cho chúng tôi biết trên Twitter.
Người đăng: Gary
Theo dõi blog qua email:
Delivered by FeedBurner